Điều đó khiến thị trường lao động chậm cung ứng việc làm cho sinh viên cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Thị trường smartphonemàu mỡ
Theo báo cáo về thị trường ứng dụng di động tại Việt Nam của Appota, tại thời điểm này, những con số về nhân khẩu học của Việt Nam được coi là đẹp nhất với lượng người tiêu dùng trẻ và thuộc tầng lớp trung lưu lớn.
Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao, lên tới 72%, có mức tiêu thụ phương tiện truyền thông trực tuyến và thói quen chơi game di động cao. Điển hình, người Việt xem video clip và nghe nhạc trên điện thoại chiếm 69%. Sự gia tăng nhanh chóng về tỉ lệ sở hữu điện thoại và hành vi lên mạng bằng điện thoại lên đến 68%, khẳng định thị trường di động đầy màu mỡ, là mảnh đất rộng lớn cho các doanh nghiệp tiếp tục khai thác. Người Việt dùng smartphone để lên mạng xã hội chiếm 89% hành vi mỗi ngày.
Bên cạnh đó, 25% những người sở hữu điện thoại thông minh sử dụng internet trên di động thường xuyên, thực hiện nhiều tác vụ, dịch vụ khác nhau khiến điện thoại di động không chỉ là công cụ giao tiếp, nó đang trở thành công cụ làm việc chính thức của nhiều người.
75% người Việt cầm lấy điện thoại trong 15 phút sau khi thức dậy, và chỉ 7% không dùng điện thoại tới 2 tiếng sau khi dậy. Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, 72% tổng số lượt truy cập các trang thương mại điện tử xuất phát từ điện thoại thông minh. 53% các giao dịch mua hàng trực tuyến thực hiện qua điện thoại.
Xây dựng cơ sở dữ liệu
ThS. Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc TT Phát triển Công nghệ giáo dục, Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, với đặc điểm của truyền thông mạng và số lượng bùng nổ người sử dụng các thiết bị thông minh, đặc biệt là smartphone tại Việt Nam hiện nay, việc tận dụng ưu thế của Cách mạng 4.0 trong lĩnh vực truyền thông định hướng việc làm cho sinh viên là hoàn toàn khả thi.
Một phương pháp để xây dựng công tác truyền thông hiệu quả tận dụng được lợi thế 4.0 đó là Dữ liệu lớn (Big Data). Từ các đặc điểm của Big Data, có thể thấy thách thức đầu tiên là việc kết hợp các nguồn dữ liệu việc làm thành một cơ sở dữ liệu lớn, đơn nhất, mang tính cập nhật liên tục.
Có thể kể tới các nguồn dữ liệu để xây dựng phục vụ cho công tác truyền thông định hướng việc làm như: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Các trường đại học và dạy nghề, các tổ chức phi chính phủ, số liệu nghiên cứu từ các công ty điều tra, phân tích, số liệu từ World Bank, IMF…, Các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ, giới thiệu, cung cấp việc làm,…
Khi đã có một cơ sở dữ liệu chung ban đầu từ các nguồn như đã đề cập ở trên, tiếp theo là phải duy trì tính cập nhật của dữ liệu, tiếp tục thu thập, xử lý, phân tích và sử dụng dữ liệu cho mục đích truyền thông định hướng việc làm. Cụ thể, các thông tin như: Nhu cầu tuyền dụng của doanh nghiệp, ngành nghề, thời điểm cần tuyển dụng. Số lượng sinh viên tốt nghiệp, ngành, trình độ, năng lực, mong muốn về thu nhập,…
Các dữ liệu có thể được cập nhật theo thói quen sử dụng các nền tảng mạng xã hội, các thiết bị thông minh; dữ liệu được thu thập qua các ứng dụng như Facebook, Messenger, Viber, Zalo, WeChat… Khi đó, chỉ với một tin nhắn với một tập các khách hàng mục tiêu, thông điệp cần gửi tới đối tượng truyền thông được lan rộng hơn rất nhiều do các thiết bị đều được kết nối internet.
Với sự bùng nổ của internet và người dùng các thiết bị, điện thoại thông minh đã xóa mờ ranh giới giữa các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ… Truyền thông định hướng việc làm cho sinh viên, tận dụng những lợi thế của thời kỳ 4.0 đang được xem là một xu hướng tất yếu.